Truyện Cực Ngắn: Nhân Ngày Nhà Giáo - Kể Chuyện Thầy Trò [02]

Nhân Ngày Nhà Giáo VN (20-11) xin giới thiệu Chùm 8 câu truyện cực ngắn về Thầy - Trò ở trường Kiến Trúc, khoảng những năm 60-70, thế kỷ trước.

Có nhiều Bạn bè, dù không phải dân kiến-trúc, nhưng đã thân tình, xin mời cùng đọc, cũng là dịp biết thêm Thầy Trò Kiến Trúc tụi tui!

(Có vài bài đã đăng, nay tập hợp lại (bài 1, 2);... vài bài khác được trình bày theo văn phong mới (bài 3-8)).

 

THẦY TRÒ (1) Quang Nguyễn (KT66)

Thầy dạy môn hình học họa hình, thầy đã già lắm, người mập mạp, phúc hậu, rộng rãi, rất thương học trò. Kỳ thi cuối năm, thi vấn đáp, trò ngồi từ dãy ghế thứ ba, dãy ghế đầu dành cho những đứa bắt thăm đề xong ngồi chuẩn bị, từng đứa lên làm bài trả lời trên bảng, mà có chuẩn bị gì đâu, quay lên quay xuống , ra dấu, rồi chờ đám dưới calque bài trong sách ném lên… Ung dung lên bảng, đàng hoàng vẽ bài, … Thầy đi tới đi lui, chắp tay sau đít, đến sau lưng từng đứa đứng ngó làm bài, thầy thấy đứa nào cũng dấm dúi bùa, không hay biết thầy sau lưng … Đột ngột thầy thò tay chộp bùa một đứa, cả đám học trò hồi họp, còn thằng đó hoảng quá ! Nhưng : - Mặt phẳng này phải nằm phía trên chớ ! Vẽ lại !. Thầy xoay tờ bùa 180◦ rồi trả lại, chắp tay sau đít, thản nhiên tiếp tục bước qua thằng khác.

Thầy rất thương học trò, thầy không muốn học trò thi rớt, phải đi quân dịch. Học trò cũng biết, lợi dụng thầy, không thèm học !

 

THẦY TRÒ (2) Quang Nguyễn (KT66)

Ở trường, cuối năm, môn khoa học nào cũng thi hai kỳ, kỳ hai là để vớt những đứa rớt kỳ một. Ở một đợt thi kỳ hai, thi vấn đáp, buổi chiều, đã gần hết giờ, phòng thi chỉ còn lèo tèo vài đứa.

Thầy : - Thằng Đ đâu rồi mấy đứa ? Một lúc lâu, chỉ còn vài đứa chưa lên thi.

Thầy : - Thằng Đ đâu rồi mấy đứa ? Có trò nào thi xong chạy kiếm nó kêu nó vô thi ! Nhưng thằng học trò cuối cùng đã thi xong mà vẫn không thấy Đ đâu ! Lúc đó thằng học trò cuối cùng mới dám rụt rè nói : - Dạ nó đang ở Vũng Tàu chưa về !

Thầy : - Một đứa chạy ra kêu nó về thi. Thầy đợi nó hai ngày thôi.

Rồi thầy bước ra cửa. Hai ngày sau, thầy gọi thằng hôm trước tới, nói : - Con chạy ra Vũng Tàu nói thằng Đ khỏi về. Thầy không đợi được. Đã đến hạn thầy phải nộp bảng điểm ! Thầy vớt cho nó đậu rồi !

Thầy rất thương học trò, thầy không muốn học trò thi rớt, phải đi quân dịch. Học trò cũng biết, “pha” thầy luôn, chơi là chính !

 

THẦY TRÒ (3) :  Với Thầy BẠCH dạy Toán Nguyễn Đình Cung (KT58) 

Ở trên bảng đen thì Thầy đang thao thao vừa giảng vừa triển khai những hàng chữ và con số của bài toán, ở dưới thì có gần chục cái đầu, đứa thì ham nói chuyện không thèm nghe, đứa thì ù-ù cạc-cạc mắt nhìn Thầy mà tâm trí đang ở đâu đâu... Bỗng dưng Thầy ngưng bặt không nói nữa.

Thầy vừa thốt mấy tiếng "ủa... ủa..." vừa lùi lại nhìn vào những con số trên bảng vừa nói "sai rồi ... sai rồi" làm cả bọn chúng tôi cùng im lặng chú mục nhìn lên Thầy.

Thầy loay hoay đảo qua nhìn lại mấy hàng chữ số mà không tìm thấy chỗ sai, miệng nói "bí đái ! bí đái !" Tôi tình cờ nhìn lại hai hàng bên trên so với hàng cuối cùng, đứng dậy: "Thưa Thầy, Thầy lấy trên đem xuống thiếu một chữ !" rồi chỉ chỗ viết thiếu. Thầy la lên "đúng rồi" xong thêm vào con số thiếu và tiếp tục bài giảng.

Không biết đứa nào nói nhỏ nhỏ nhưng lại vang lên rõ-ràng: "Thầy đái được rồi, tụi bây ơi !" Thầy quay lại cười, nạt: "Chép bài đi !".

 

THẦY TRÒ (4) :   Với Thầy PINEAU dạy môn "Histoire de l'Architecture" : Nguyễn Đình Cung (KT58)

Bạn Cổ-Văn Hậu và tôi mới được quân-trường Thủ-Đức thả về sau hơn tháng "một hai - một hai" nhờ được Trường can thiệp cho được hoãn nhập ngũ đến khoá sau, để về thi, vừa lúc chỉ còn đúng nửa tháng cho các môn lý thuyết. Tôi cuống cuồng phải vừa mượn cours, tìm tài liệu còn thiếu, vừa phải hoàn tất nộp croquis một số môn lý thuyết cho kỳ vấn đáp, vừa làm bài construction của Thầy TRẦN VĂN TẢI đến hạn phải nộp, và hằm-bà-lằng các thứ lặt-vặt khác,... Cuối cùng, mọi việc cũng tạm ổn, sau nhiều đêm thiếu ngủ.

Ngày thi vấn-đáp môn Histoire de l'Architecture của Thầy PINEAU. Đây là môn tôi ngại nhất, cho là không quan trọng, lại "xếp bút nghiên" bỏ hết thời quân-trường. Tôi mượn notes của Bạn Nguyễn-Hữu Sơn, vội-vội vàng-vàng xem qua như "cưỡi ngựa xem hoa". Sơn trước học Lycée Yersin Dalat, có quyển notes rất đầy đủ.

Vào thi, Thầy PINEAU hỏi tôi về Jardins Francais. Chó ngáp phải ruồi, khi ngồi chờ đến phiên, tôi lật qua mấy bài trong notes, ngẫu nhiên đọc bài này. Tôi như mở cờ trong bụng, trả bài khá suôn sẻ. Thầy chỉ ngắt lời hỏi thêm vài chỗ cần thiết. Chưa nói hết, Thầy PINEAU phán: "Bon, merci, au suivant !".

Mấy ngày sau, kết quả, Thầy PINEAU cho tôi... Médaille ! Đây là một Médaille hiếm hoi của môn này. Nhớ hai câu thơ của Vũ Đình Liên (Ông Đồ Già) :

... "Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?"...

Mà thấy nhớ các Thầy chi lạ !

 

THẦY TRÒ (5) : Đỗ Xuân Đạm (KT66)

Chuyện thứ 2 của QuangNg kể, nếu là về kỳ thi môn Luật nhà phố của thầy Nguyễn Hữu Thiện thời thằng Đ. đó là tui, tui không đọc thông báo nên không biết ngày thi, cảm ơn bạn nào đã sáng tác ra lý do "nó đang ở Vũng Tàu".

Khi tui gặp thầy xin thi, thầy rất khó xử vì lý do không đọc thông báo của tui không chínhđáng, chưa biết giải quyết ra sao thời có một bạn từ quân trường có giấy phép về thi, nhưng đi trể nhầm ngày,

Thầy mừng rỡ cằm tấm giấy phép lên gặp Khoa Trưởng để xin mở kỳ thi đặc biệt, tui được thi ké.

Thầy ra hai câu hỏi: Hai nhà A và B có tường chung:

1- Khi nhà A sửa tường chung nhà B có phải chia phí tổn không? 2- Cây nhãn nhà A vươn cành qua nhà B, cành đó có trái ai hưởng?

Tui trả lời gọn lỏn: 1- Chi phí sửa chữa chia đôi. 2- Nhà B hưởng.

Thầy xem xong nói "Đậu rồi" nhưng hỏi thêm tại sao nhà B hưởng trái?

- Dạ, tại cành đó nằm trong không gian nhà B.

- Sai bét, lý do là vì nhà B phải quét lá rụng, hiểu chưa...

- Dạ, cảm ơn thầy.

 

THẦY TRÒ (6) : Cũng xin góp một chuyện cực ngắn Châu Đắc Chấn (KT72)

Hôm đó cũng giờ Thầy Bạch, lúc nghĩ giữa giờ... Dạo đó, trường đang treo giải vẽ logo của trường Kiến trúc. Mới vừa có kết quả, anh Võ Thành Lân đoạt giải (bàn tay cầm ê ke), trong lúc nghĩ giữa giờ anh em bàn tán về ý nghĩa logo, đa số là khen hay. Lúc đó thầy Bạch cũng đứng chung, có bạn hỏi ý kiến Thầy, thầy lặng thinh một lúc rồi cười... "... mấy anh vẽ tục tĩu quá... mấy anh ơi!..." các bạn cười cái rần...

 

THẦY TRÒ (7) : THẦY CHO EM XIN LỖI Đỗ Khắc Quang (KT77)

Ngày ấy khó khăn, chán chường, bụng đói. Chiến tranh đến gần lắm. Không gian đặc quánh. Nghèo bó cái eo, bó cả học lẫn mơ mộng vẽ vời đồ án. Học chỉ đối phó là chính... Đang chán học, ta nghĩ cho kẻ khác thì ít, tìm vui chọc phá thì nhiều... Thầy cô ta có... chừa đâu ! Thầy dạy cái môn hẻo nhất: Nga Văn. Thầy với đôi mắt nhìn buồn xa vắng. Lũ thứ ba bọn tụi tui, ngang ngửa quỷ ma, lôi Thầy ra hành hạ. Thầy đến lúc phải nói: Thầy có muốn đâu, ngày ấy Thầy sang Tiệp học Cơ khí, đụng lúc cơn bão chính trị, Thầy dạt qua Nga học... Văn. Thầy học ở Nga bốn năm rồi về nước. Họ nói Thầy đã học bên Nga khá lâu, nên để Thầy... dạy Nga Văn là... chuẩn. Hơn 30 năm, học hành làm chuyên môn ở Mỹ.

Kinh tế suy thoái, bất động sản Mỹ rớt te tua. Thất nghiệp, bảo về quê, mình dạy... Anh Văn, ... thấy mồ hôi vã ra trên trán. Nhìn gương sáng nay thấy đôi mắt mình nhìn quen quen... Vâng, đôi mắt Thầy ngày ấy... Ôi chao, Thầy cho em xin lỗi !

 

THẦY TRÒ (8) : CHUYỆN NHỎ Trần Văn Tý (KT64)

Ngày tôi mới vào trường gặp ngay Thầy Thâng dạy giờ đầu tiên.

Cuối giờ Thầy bảo : - Các em tìm trường khác mà học. Nếu tìm không được mới trở lại đây. Tôi rất ngỡ ngàng không hiểu Thầy nói vậy có ý gì ! Tôi xuống Họa Thất lần đầu, mới hiểu ra : gặp ngay một ông già đang bò trên bảng vẽ to ầm, bên cạnh là một cô gái khoản độ 14-15, đang làm nègre.

Thấy ông là SV già, tôi hỏi : - Thưa bác, bác vào học năm nào ? Ông ta nhìn cô con gái, nói : Khi con bé này chưa sanh ! Bây giờ nghĩ lại mà vẫn còn ớn trường mình !

 

Chuyên đề "TRUYỆN CỰC NGẮN THẦY-TRÒ KIẾN TRÚC":

Bình luận từ người dùng

1
2
3
4
5
6
7
8
TRE - BAMBOO
1268
Tre xoắn ốc và xoắn (spirals and twists) trong các hình thức kiên strúc hấp dẫn! Công viên Đô thị Cải tạo Vi mô (Urban Park Micro Renovation) của Trường kiến trúc Atelier cnS, Đại học Công nghệ South China trình bày một số công trình kiến trúc lượn sóng thú vị làm từ tre. Từ khóa: parametric architecture, kiến trúc tham số,
Giới thiệu
Liên hệ
Nhật ký độc giả
VI | EN
Link đã được copy